Tự học tiếng Nhật online

Tự học tiếng Nhật online miễn phí !

Truyện cổ tích Nhật BảnVăn hóa Nhật Bản

Sự độc đáo trong truyện cổ tích Nhật Bản

Sự độc đáo trong truyện cổ tích Nhật Bản. Chào các bạn. Trong bài viết này, Tự học online xin mời các bạn cùng khám phá sự độc đáo trong truyện cổ tích Nhật Bản. Truyện cổ tích Nhật có gì đặc sắc? Người Nhật đã truyền dạy cho con cháu những điều gì qua hàng trăm thế hệ? Người Nhật muốn chia sẻ với nhau và với toàn thế giới những tư tưởng, triết lý gì thông qua những câu chuyện cổ tích? mời các bạn cùng đi tìm câu trả lời cho các câu hỏi này 🙂

Sự độc đáo trong truyện cổ tích Nhật Bản - Văn hoá Nhật Bản

Điều gì làm nên sự độc đáo trong truyện cổ tích Nhật Bản?

Trong một câu truyện cổ tích Nhật tiêu biểu sẽ có một nhân vật chính tốt bụng mà gặp tình cảnh khó khăn (có thể do nhân vật phản diện gây ra), và một thế lực thần diệu giúp đỡ nhân vật chính này. Cuối cùng thì ai ở hiền tất gặp lành. OK, bạn có thể nhận thấy cái mô típ kinh điển mà truyện cổ tích nước nào cũng có. Tuy nhiên, khác với truyện cổ tích các nước khác, nơi mà phép mầu ảo diệu giải quyết mọi khó khăn, thì truyện cổ tích Nhật không tập trung mô tả phép thuật. Kể cả khi được thần tiên giúp đỡ, nhân vật chính vẫn đóng vai trò trung tâm trong mạch phát triển của câu chuyện; tức là, nếu nhân vật chính không có ý chí và nghị lực, thì phép thần tiên cũng không giải quyết được gì.

Ví dụ sau đây sẽ giúp bạn thấy rõ ý trên:

Truyện cổ tích Nhật: Ông thần ngèotruyện cổ tích ông thần nghèo

Ở Osaka có chàng trai nghèo túng tên Gohei. Anh thất bại trong mọi công việc vì tính nhút nhát, e dè. Khi Kami (Thần) của dân nghèo đến gặp anh, Gohei không có gì để tiếp đãi Kami ngoài tấm lòng thành. Kami hiểu tấm lòng của anh, bèn dặn dò: “Nửa đêm nay, ba kỵ sĩ – một mặc trang phục vàng cưỡi ngựa vàng, một trắng, một đen – sẽ rong ngựa ngang ngôi chùa làng. Khi người thứ nhất đi qua, hãy nắm lấy cương ngựa của ông ấy. Nếu thất bại, hãy nắm dây cương của kỵ sĩ thứ hai, rồi thứ ba.”

Gohei cảm ơn thần. Anh đến đợi gần chùa. Nửa đêm, ba kỵ sĩ từ xa đến, tướng mạo dữ tợn. Gohei sợ đến hóa đá. Kỵ sĩ áo vàng đã qua rồi, Gohei mới hoàn hồn và tóm lấy cương ngựa kỵ sĩ trắng. Nhưng con ngựa gầm lên và phi nước đại. Gohei cố gắng lần cuối với con ngựa đen, và dây cương tuột khỏi bàn tay run rẩy của anh. Trong cơn tuyệt vọng, anh thấy thêm một người cưỡi ngựa nữa đến. Anh nắm lấy cương ngựa người đó, con ngựa dừng lại. Người trên ngựa lại chính là thần ngèo. Thần giải thích:

“Anh quá nhút nhát để có thể nắm lấy một trong những Thần Của Cải : kỵ sĩ ngựa vàng là Kami Vàng, kỵ sĩ trắng là Kami Bạc và kỵ sĩ Đen là Kami Đồng. Anh nhát gan quá nên chỉ nắm được tôi, Thần Nghèo. Hãy cố gắng thêm lần nữa, bởi đêm mai bộ tứ chúng tôi sẽ lại đi qua ngôi chùa này.”

Đêm hôm sau Gohei phục sẵn ở chùa cho tới khi kỵ sĩ vàng đi qua. Gohei quyết chí nắm cương ngựa Thần Vàng. Con ngựa hung hãn phi vọt đi. Không nản chí, Gohei túm lấy con ngựa trắng. Nó hất anh ra. Thu hết can đảm, Gohei bắt lấy cương con ngựa đen. Nó vùng vẫy và suýt đá trúng anh, nhưng Gohei nhắm mắt lại và ghì lấy cương ngựa. Con ngựa đuối sức và thôi chống trả. Khi Gohei mở mắt, kỵ sĩ đen và ngựa đen đã biến mất, trong tay anh là một bao tiền đồng lớn. Lúc này Kami Nghèo mới thong thả rong ngựa qua, cười tạm biệt Gohei.

Gohei đi về, sửa nhà, lấy vợ và sống hạnh phúc.

(tóm tắt dựa theo Contes Japonais (Truyện cổ Nhật Bản) – Gertrude Fritsch, NXB Gründ – Paris, 1970)

Có thể thấy, Thần nghèo không trực tiếp khiến Gohei giàu lên để kết thúc cái nghèo dai dẳng của anh, mà chỉ bày cho anh những cơ hội – ẩn dụ bởi những vị Thần Của Cải chỉ có trong mơ. Kể cả khi có cơ hội đấy, mà Gohei không vượt qua được thói sợ sệt e dè, thì anh ta cũng nghèo hết kiếp thôi. “Phần thưởng đồng” cũng phù hợp với năng lực của Gohei, và anh ta xứng đáng có một cuộc sống sung túc, không phải chỉ vì anh tốt bụng chân thành, mà chính là vì anh đã chiến đấu và chiến thắng khuyết điểm của bản thân.

Tinh thần cốt lõi của Truyện cổ tích Nhật Bản:  

Như vậy chắc các bạn cũng đã hiểu ra sự độc đáo trong truyện cổ tích Nhật Bản. Tinh thần của những câu truyện cổ tích Nhật thường không phải là “Ở hiền gặp lành”, mà là “Có chí thì nên”. Thần thánh có thế cho bạn vài cơ hội. Nếu bạn không tận dụng được một cơ hội, hãy tìm cơ hội khác mà theo đuổi. Nhưng nếu bạn e dè, do dự, cơ hội chỉ nối đuôi trôi qua. Truyện cổ tích Nhật thường dùng phép ẩn dụ và biểu tượng rất hay để thể hiện những tôn chỉ, triết lý của người Nhật. Họ dạy trẻ em, kể cả người lớn, những bài học tuyệt vời về ý chí và lòng dũng cảm.

Ai cũng biết Cô bé Lọ Lem (Cinderella), truyện cổ tích phổ biến nhất châu Âu, với vô số dị bản trên khắp các châu lục. Nghèo khổ, bị ghét bỏ, Lọ Lem được bà tiên giúp đỡ. Bà này  biến ra xe từ bí đỏ, ngựa từ chuột, và đôi hàu thủy tinh lấp lánh từ đâu không biết. Lọ Lem tới vũ hội, để lại đó một chiếc hài, rồi về nhà đợi hoàng tử tới cưới làm vợ. Không có phép thuật của bà tiên, Lọ Lem chắc vẫn còn lủi thủ làm việc nhà. Lọ Lem xứng đáng có “hạnh phúc mãi về sau” chỉ vì cô tốt nết và nhân ái. Thế nhưng, ta khó mà tìm ra một phần quà dễ dãi như vậy trong một truyện cổ tích Nhật.

Chẳng có gì ngạc nhiên khi mà phần lớn người Nhật hoặc là những chiến binh kiên cường, hoặc là những triết gia uyên thâm, hoặc cả hai. Người Nhật hành động, thất bại, bám trụ, thành đạt, và rồi suy tư về cái quá trình đó, đúc kết lại thành những triết lý độc nhất vô nhị. Khi bạn tìm hiểu về văn hóa Nhật Bản, hãy tìm đọc những truyện cổ tích Nhật, để giải trí, và để rút ra cho chính bản thân những bài học sâu sắc có thể thay đổi cuộc đời bạn. Sự thực là, sự độc đáo trong truyện cổ tích Nhật Bản, những tôn chỉ và tinh thần trong truyện cổ tích Nhật, mà mọi người Nhật đã thấm nhuần từ khi còn bé, đã góp phần giúp dân tộc Nhật Bản trở thành một trong những dân tộc vĩ đại nhất thế giới.

Trên đây là nội dung bài viết “Sự độc đáo trong truyện cổ tích Nhật Bản”. Mời các bạn cùng tìm hiểu các nét văn hoá khác của Nhật Bản trong chuyên mục : Văn hoá Nhật Bản.

— Nam Anh —

We on social : Facebook - Youtube - Pinterest

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *