Các hình thức lừa đảo đưa người sang Nhật
Các hình thức lừa đảo đưa người sang Nhật đã xuất hiện từ lâu và được các phương tiện truyền thông cảnh báo. Song, với một số người nhẹ dạ thiếu hiểu biết, tình trạng này vẫn còn tiếp diễn. Với những ai đang hoặc sắp có ý định sang Nhật, dù dưới bất cứ hình thức nào, du học, thực tập hay lao động, hãy trang bị cho mình thật đầy đủ kiến thức để tránh gặp phải tình trạng này nhé!
Hình thức lừa đảo bằng visa du lịch
Mục lục :
Đây là cách thức mà một số công ty môi giới sử dụng để lừa đảo những người có mong muốn sang Nhật theo diện lao động. Để được làm thủ tục giấy tờ, họ phải trả cho những công ty này mức phí hàng trăm triệu đồng. Tiếp đó, bằng hình thức xin cấp visa du lịch ngắn ngày, những công ty nói trên đã lừa đưa người sang Nhật. Tới khi hết hạn visa, không còn cách nào khác một số người buộc phải trốn tại Nhật Bản. Bất đắc dĩ, họ trở thành lao động bất hợp pháp. Một số người còn lại khi bị phát hiện đã bị trục xuất về nước đồng thời mất trắng số tiền phí đã nộp.
Hình thức lừa đảo bằng giấy tờ giả mạo
Đây là cách thức lừa đảo nhắm vào những người muốn sang Nhật theo diện lao động. Bằng hình thức cung cấp các giấy tờ giả mạo, các công ty này đã qua mặt dễ dàng những người nhẹ dạ. Các giấy tờ giả này có thể là hồ sơ, hợp đồng lao động, giấy phép kinh doanh v…v…
Sau khi trả mức phí hàng trăm triệu đồng, họ nhận được từ phía công ty những lời nói dối quanh co. Như: hồ sơ có vấn đề, doanh nghiệp thuê lao động bên Nhật đã đủ người và buộc phải chờ thêm. Tuy nhiên sau một thời gian dài không có tin tức gì và cũng không có cách nào liên lạc lại được với công ty môi giới, họ mới biết mình bị lừa.
Hình thức lừa đảo bằng những lời quảng cáo “có cánh”
1. Lừa đảo du học
Đây là cách thức lừa đảo mà một số công ty, trung tâm tư vấn du học thường hay sử dụng. Với những lời hứa hẹn không thực tế như việc nhẹ, lương cao, vừa học vừa làm thu nhập mỗi tháng vài chục triệu đồng, được nhận làm ngay lập tức v… v… các công ty, trung tâm này lôi kéo được khá nhiều người cả tin.
Tuy nhiên, khi đặt chân tới Nhật, mọi chuyện không hề thuận lợi như vậy. Bởi lẽ, với visa du học, mỗi du học sinh chỉ được làm việc 28 tiếng / 1 tuần. (Số giờ làm có thể được tăng lên trong kỳ nghỉ). Mức tiền lương cơ bản dao động khoảng 850 ~ 1200 Yên / 1 tiếng tùy khung giờ. Như vậy số tiền mỗi tháng kiếm được (11 ~ 15 vạn Yên) chỉ đủ để chi trả chi phí sinh hoạt chứ khó có thể đóng học phí hay thậm chí là gửi tiền về phụ giúp gia đình. Nếu chấp nhận làm chui, làm quá giờ quy định, nguy cơ bị phát hiện và trục xuất về nước là rất cao. Ngoài ra, với những ai còn yếu tiếng Nhật thì rất khó để xin được việc.
2. Lừa đảo thực tập sinh
Cách thức lừa đảo này cũng được một số công ty, trung tâm áp dụng với những người có nguyện vọng sang Nhật theo diện thực tập sinh. Khá nhiều trường hợp đã nhẹ dạ, tin vào những lời hứa hẹn suông. Rằng, công ty sẽ tạo cơ hội để được đi làm thực tập sinh tại Nhật. Đổi lại, họ phải đóng nhiều loại phí do các công ty, trung tâm này vẽ ra. Phí thi tuyển, phí ôn tập, phí bao đỗ v…v… Tuy nhiên ngay sau đó, các công ty, trung tâm này liền thay đổi địa điểm, cắt đứt liên lạc hoàn toàn. Một số trường hợp khác, dù sang được Nhật nhưng lại bị lừa đi làm những công việc trái với cam kết ban đầu.
3. Thu tiền và bỏ trốn
Hình thức lừa đảo này có thể xuất phát từ một cá nhân trong một doanh nghiệp. Là người của công ty thực hiện nhiệm vụ tư vấn hướng dẫn cho thực tập sinh hoặc du học sinh, họ đứng ra thu tiền từ thực tập sinh hoặc du học sinh mà không được sự cho phép của công ty. Sau khi cầm một số tiền lớn thì họ bỏ trốn. Thực tập sinh hay du học sinh bị lừa thì không có giấy tờ pháp lý để chứng minh đã nộp tiền để đòi công ty.
Hình thức lừa đảo bằng visa tị nạn
Đây là cách thức lừa đảo ít phổ biến hơn những cách kể trên. Tuy nhiên đối với những người ít cập nhật thông tin, thiếu hiểu biết rất có khả năng sẽ gặp phải.
Thực chất của hình thức lừa đảo này chính là những lời mời chào có cánh. Họ được đảm bảo rằng, có thể sang Nhật theo diện visa tị nạn 6 tháng sau đó sẽ được ở lại làm việc. Vì nhẹ dạ cả tin, một số trường hợp đã phải nộp chi phí làm thủ tục hồ sơ tới hàng trăm triệu đồng và mất trắng số tiền này khi môi giới bỏ trốn. Lưu ý rằng, visa tị nạn không dễ dàng được cấp một cách tùy tiện. Thực tế, cũng chưa từng có thực tập sinh nào được chứng nhận là người tị nạn tại Nhật Bản.
Đối phó với các hình thức lừa đảo như thế nào?
- Tìm hiểu rõ thông tin công ty, trung tâm môi giới du học, xuất khẩu lao động trước khi chấp nhận làm thủ tục hồ sơ hay nộp bất cứ khoản phí nào.
-
Lựa chọn những công ty, trung tâm uy tín, có địa chỉ rõ ràng, cơ sở vật chất đầy đủ.
-
Tìm hiểu rõ về hợp đồng, hồ sơ, qui trình và thời gian tuyển dụng.
-
Tìm hiểu tất tần tật các chi phí phải trả, chi phí phát sinh, thời hạn hợp đồng, tiền lương, nơi sinh hoạt tại Nhật v…v…
-
Yêu cầu công ty hoặc trung tâm môi giới cung cấp đầy đủ thông tin về xí nghiệp (hoặc trường học) bên Nhật cũng như nội dung công việc, giờ làm v…v…
-
Khi đóng tiền cần phải nhận giấy biên nhận có giá trị pháp lý (có chữ ký, đóng dấu của người có nhiệm vụ). Đóng trực tiếp tại công ty, không chấp nhận thu hộ, nhất là số tiền lớn.
Trên đây là những cảnh báo về các hình thức lừa đảo đưa người sang Nhật. Nếu còn những hình thức lừa đảo nào khác, các bạn hãy góp ý, bổ sung bằng cách bình luận bên dưới bài viết này để mọi người cùng biết và cảnh giác nhé!