Tự học tiếng Nhật online

Tự học tiếng Nhật online miễn phí !

Kinh nghiệm sống tại Nhật Bản

Hướng dẫn viết sơ yếu lý lịch tiếng Nhật

Đừng bỏ qua bài viết Hướng dẫn viết sơ yếu lý lịch tiếng Nhật sau đây nếu bạn đang băn khoăn về cách viết sơ yếu lý lịch sao cho thật chỉn chu nhé!

Xem thêm: Cách trả lời các câu hỏi phỏng vấn thường gặp.

Hướng dẫn viết sơ yếu lý lịch tiếng Nhật

Mẫu sơ yếu lý lịch tiếng Nhật mới nhất

Tại Nhật, có khá nhiều mẫu sơ yếu lý lịch phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau. Ví dụ: sơ yếu lý lịch ứng tuyển việc làm thêm, ứng tuyển việc làm chính thức, chuyển việc, sơ yếu lý lịch khi muốn học lên cao v…v…

Các mẫu hồ sơ này tuy có sai khác về bố cục, kích thước, song hầu hết các phần nội dung quan trọng đều giống nhau. Ngoài ra, khi ứng tuyển việc làm thêm, yêu cầu về sơ yếu lý lịch không quá khắt khe như khi ứng tuyển việc làm chính thức. Do đó bài viết sau đây sẽ chú trọng hướng dẫn viết sơ yếu lý lịch theo mẫu hồ sơ ứng tuyển việc làm chính thức.

sơ yếu lý lịch tiếng Nhật

Và dù với mẫu sơ yếu lý lịch nào thì các phần: ảnh cá nhân, chữ viết, cách viết, nội dung luôn là những tiêu chí hàng đầu để đánh giá bản sơ yếu lý lịch đó có chỉn chu hay không. Ngay sau đây, mời các bạn cùng tìm hiểu chi tiết cách viết từng phần trong sơ yếu lý lịch nhé!

Download mẫu sơ yếu lý lịch tiếng Nhật mới nhất tại đây.

Cách viết sơ yếu lý lịch tiếng Nhật

Ngày tháng năm【年月日】

Dù đây chỉ là một mục nhỏ nhưng tuyệt đối không nên bỏ qua hoặc để sót. Đây là ngày tháng mà bạn mang hồ sơ tới nộp trực tiếp hoặc là ngày gửi chuyển phát.

Lưu ý: Cách điền ngày tháng năm thường áp dụng ghi theo lịch Tây phương chứ không sử dụng hệ thống niên hiệu Nhật Bản để ghi.

Họ tên và phiên âm【氏名・ふりがな】

Khi viết họ tên đầy đủ, hãy nhớ để một khoảng trống vừa đủ giữa phần họ – phần đệm và phần tên. Riêng cách viết phiên âm, nếu dòng chữ Furigana trong mẫu sơ yếu lý lịch được viết theo dạng chữ Hiragana thì các bạn phải viết phiên âm tên theo chữ Hiragana. Ngược lại, nếu dòng chữ Furigana được viết theo dạng chữ Katakana thì các bạn phải viết phiên âm tên theo chữ Katakana.

Ảnh chụp cá nhân【証明写真】

Các nhà tuyển dụng tại Nhật đặt ra yêu cầu đối với ảnh chụp cá nhân cực kỳ khắt khe. Lý do là bởi ảnh chụp sẽ là tiêu chí gây ấn tượng trực tiếp đến họ. Vì lý do này, Tự học online khuyên các bạn nên tuân thủ một cách nghiêm túc các quy định về ảnh chụp. Cụ thể như sau:

– Ảnh phải được chụp trong vòng 3 tháng gần nhất.

– Kích thước thông thường là 3cm x 4cm. Không được to hay nhỏ hơn dù chỉ 1mm.

– Tránh trường hợp ảnh bị bong, hãy viết họ tên và tên trường học phía sau ảnh.

– Nên dán ảnh sau cùng, sau khi đã viết hoàn chỉnh sơ yếu lý lịch đề phòng trường hợp làm bẩn (dơ) ảnh chụp.

– Nên dùng bang dính hai mặt khi dán thay vì hồ dán.

– Nên chụp tại Studio thay vì chụp tại máy chụp tự động.

– Nên chụp nền trắng nếu trang phục bạn chọn là vest sẫm màu. Ngoài ra có thể chọn nền xanh hoặc ghi.

– Không được đeo kính khi chụp hình.

– Không để tóc lòa xòa che mắt.

Có thể tham khảo kích thước chuẩn dành cho các phần như: khoảng trống, khuôn mặt, cổ, vai như hình mình họa dưới đây.

Hướng dẫn viết sơ yếu lý lịch tiếng Nhật

Địa chỉ liên lạc【連絡先】

Nên nhập số điện thoại di động thay vì cố định.

Địa chỉ phải ghi rõ ràng, đầy đủ tới cả số nhà, tên đường, tên phố. Ghi theo thứ tự của người Nhật. Ví dụ: tên khu vực -> quận -> phố -> đường -> số nhà ghi cuối cùng.

Trình độ học vấn【学歴】

hướng dẫn viết trình độ học vấn tiếng Nhật

Khi viết quá trình học và trình độ học vấn cần lưu ý những điểm sau:

Tên trường phải được viết đầy đủ, tránh viết tắt.

Năm nhập học và năm tốt nghiệp nên viết sao cho thống nhất trong cả sơ yếu lý lịch. Tránh trường hợp ước lượng, ghi không rõ ràng, thời gian không hợp lý.

Nếu chuyển trường hoặc bỏ học, hãy viết lý do ngắn gọn giải thích trong ngoặc ().

Nên viết trình độ học vấn từ cấp trung học cơ sở trở lên, mẫu giáo và tiểu học không cần thiết.

Đặc biệt, tránh viết kiểu rút gọn như「高校」mà hãy viết đầy đủ「高等学校」

Trình độ công việc【職歴】

Trường hợp chỉ làm bán thời gian mà không phải chính thức có thể viết ngắn gọn: 「なし」

Trường hợp đã từng đi làm (làm ngắn hạn tại Việt Nam chẳng hạn), hãy viết đầy đủ:

Ngày tháng bắt đầu đi làm, tên công ty, chú thích bên cạnh  「入社」, tên bộ phận, vị trí đảm nhiệm.

Ngày tháng nghỉ việc. Giải thích lý do ngắn gọn. Chú thích bên cạnh 「退社」

Cuối cùng, viết riêng một dòng「以上」chếch về phía bên phải để kết thúc.

Về lý do nghỉ việc, có thể viết ngắn gọn là: 「一身上都合により退職」(Nghỉ việc vì lý do cá nhân).

Bằng cấp và giấy phép【資格・免許】

hướng dẫn viết trình độ học vấn tiếng Nhật

Nếu không có, có thể ghi「特になし」(Không có gì đặc biệt).

Nếu có, ví dụ như bằng ngoại ngữ (tiếng Nhật, tiếng Anh v…v…), bằng lái xe, hãy ghi ngày tháng nhận bằng, cấp độ. Chú thích bên cạnh: 取得 (Shutoku – Nhận được), 合格 (Goukaku – Thi đỗ).

Lời khuyên đưa ra là các bạn không nên bỏ trống mục này. Bởi bằng cấp được xem là một yếu tố chứng tỏ năng lực của bạn cho nhà tuyển dụng biết.

Lý do ứng tuyển【志望動機】

Mỗi cá nhân sẽ có một lý do ứng tuyển, một nguyện vọng ứng tuyển khác nhau. Tuy nhiên, cách viết đạt yêu cầu nhất định phải có đầy đủ các ý sau:

– Tại sao bạn muốn ứng tuyển vào công ty này?

– Tại sao bạn muốn ứng tuyển công việc này?

– Bạn có thể đóng góp thế nào cho công ty?

Về độ dài, các bạn có thể viết gói gọn trong khoảng 200 chữ là đủ.

PR bản thân【自己PR】

Phần này hãy viết khéo léo làm sao để phù hợp với tính chất công việc bạn muốn ứng tuyển. Bạn có điểm mạnh, điểm yếu gì? Bạn có kinh nghiệm gì chưa? Đã học hỏi được những gì? Bằng năng lực ấy, bạn cam kết gì với công ty và sẵn sàng cống hiến như thế nào? V…v…

Ví dụ tham khảo:

私の強みは粘り強く最後まで取り組むことです。
Watashi no tsuyomi wa nebaridzuyoku saigomade torikumu koto desu.
Điểm mạnh của tôi là kiên trì tới cùng.

入学して初めての野球の試合は補欠からのスタートでしたが、悔しさをバネに朝300回・夜700回の素振りを毎日続けたことで打撃に自信を持つことができ、レギュラーになることができました。
Nyuugaku shite hajimete no yakyuu no shiai wa hoketsu kara no sutaato deshita ga, kuyashi-sa wo bane ni asa 300-kai yoru 700-kai no soburi wo mainichi tsudzuketa koto de dageki ni jishin wo motsu koto ga deki, regyuraa ni naru koto ga dekimashita.
Ngày mới vào trường, tôi đã bắt đầu trận đấu bóng chày đầu tiên với tư cách là người thay thế, tuy nhiên lấy cảm giác đau đớn làm bàn đạp, tôi đã trở thành tuyển thủ chính thức và với sự tự tin khi đánh bóng nhờ chế độ mỗi ngày thực hiện 300 lần vào buổi sáng, 700 lần vào buổi tối.

また、粘り強く続けたことでチームメイトや監督からの信頼も強くなり、最後の公式戦では4番打者を任されました。
Mata, nebaridzuyoku tsudzuketa koto de chiimumeito ya kantoku kara no shinrai mo tsuyoku nari, saigo no koushiki-sende wa 4 bandasha wo makasa remashita.
Ngoài ra, nhờ lòng kiên trì, tôi đã làm củng cố thêm sự tin tưởng với đồng đội và với cả huấn luyện viên, trong trận đấu cuối cùng, tôi đã được giao cho trọng trách là người đánh bóng thứ 4.

この経験を活かして貴社でも粘り強く物事に取り組み、会社に貢献します。
Kono keiken wo ikashite kisha demo nebaridzuyoku monogoto ni torikumi, kaisha ni kouken shimasu.
Bằng trải nghiệm này và bằng sự kiên trì của bản thân, tôi mong muốn được cống hiến cho quý công ty.

Sở thích và kỹ năng đặc biệt【趣味・特技】

Tương tự như trên, phần này cũng nên lựa chọn sở thích và kỹ năng có liên quan tới công việc muốn ứng tuyển. Thay vì viết theo ý thích của bản thân, các bạn hãy viết dưới cái nhìn của nhà tuyển dụng bằng cách đoán xem họ mong muốn gì ở ứng viên.

Nguyện vọng cá nhân【本人希望】

Nếu công ty yêu cầu tuyển dụng một số vị trí nhất định, các bạn có thể viết vị trí công việc, loại công việc vào phần này.

Còn thông thường nếu không có gì đặc biệt có thể ghi「貴社の規定に従います」(Tuân theo quy định của quý công ty).

Trên đây là những hướng dẫn viết sơ yếu lý lịch tiếng Nhật mà Tự học online muốn chia sẻ tới các bạn. Hi vọng qua các hướng dẫn trên, các bạn sẽ không còn bỡ ngỡ và có thêm tự tin khi đặt bút viết sơ yếu lý lịch. Chúc các bạn thành công!

We on social : Facebook - Youtube - Pinterest

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *