Tự học tiếng Nhật online

Tự học tiếng Nhật online miễn phí !

Văn hóa Nhật Bản

Giải mã 3 bí ẩn lớn ở khu rừng tự sát Aokigahara

Fujisan hay núi Phú Sĩ là một trong những biểu tượng đặc trưng, gắn liền với hình ảnh đất nước Mặt trời mọc. Với quang cảnh hùng vĩ cùng những bí ẩn linh thiêng, từ lâu, ngọn núi cao nhất Nhật Bản này đã trở thành một điểm đến hấp dẫn không chỉ với người dân trong nước mà còn với đông đảo khách du lịch quốc tế. Nổi tiếng là vậy, thế nhưng không phải ai cũng biết, ở phía Tây Bắc chân núi có một khu rừng với nhiều câu chuyện rùng rợn phía sau mang tên Aokigahara Jukai. Ngoài tên gọi chính thức này, nơi đây còn được biết đến với cái tên ngắn gọn “rừng Jukai” hay phổ biến hơn là “khu rừng tự sát”. Nếu bạn là một người yêu thích khám phá những địa điểm huyền bí, chớ bỏ qua bài viết về khu rừng tự sát Aokigahara sau đây!

khu rừng tự sát

Địa chỉ: 〒401-0300 山梨県南都留郡富士河口湖町鳴沢 (Narusawa, thị trấn Fujikawaguchiko, huyện Minamitsuru, tỉnh Yamanashi)

Nguồn gốc khu rừng tự sát Aokigahara

Khu rừng Aokigahara Jukai được hình thành trên nền dung nham loang chảy trong vụ phun trào của núi Phú Sĩ cách đây khoảng 1200 năm trước vào thời kì Jougan, tức năm 864 sau Công Nguyên. Khi dung nham nguội đi, các cây non bắt đầu mọc, rồi dần dần hình thành nên 3000 ha rừng ngày nay.

Đối với một khu rừng, 1200 năm không phải là một khoảng thời gian quá dài, vì vậy, chưa thể gọi Aokigahara là một khu rừng già.

Môi trường tự nhiên trong khu rừng tự sát Aokigahara

Aokigahara Jukai được đánh giá một khu rừng tự nhiên độc đáo với các loại cây lá kim (như cây thông, cây bách), các loại cây lá rộng (như cây phong, cây anh đào Phú Sĩ). Ngoài ra, do sự sinh trưởng và phát triển mạnh mẽ của thảm thực vật với tầng rêu bao phủ mặt đất mà cảnh quan nơi đây um tùm, có phần rối rắm, góp phần tạo nên vẻ huyền bí đặc trưng.

Có thể thấy rõ nhất khi nhìn những bộ rễ cây mọc nổi với những hình thù kì dị, gợi cảm giác kì quái cho những ai đặt chân tới khu rừng này.

khu rừng tự sát

Bên cạnh hệ thống thực vật phong phú, rừng sâu còn là môi trường sống tốt cho các loài sinh vật như dơi (sống trong các hang động nham thạch), các loài động vật nhỏ như họ nhà chuột chũi, các loài chim như chim gõ kiến, chim chích bụi và các loại côn trùng như bọ cánh cứng.

Nguồn gốc tên gọi khu rừng tự sát Aokigahara

Rừng Aokigahara là nơi thường xuyên diễn ra các vụ tự sát (chủ yếu là tự thắt cổ) vì vậy ngoài tên chính, nó còn được gọi là khu rừng tự sát. Được biết, số người lựa chọn tới đây để chấm dứt cuộc sống nhiều vô số kể, tới nỗi Aokigahara bất đắc dĩ nắm giữ vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng những địa điểm có nhiều vụ tử tử nhất trên thế giới.

khu rừng tự sát

Ngoài ra, về cái tên Jukai, theo tiếng Nhật, Jukai (樹海) có nghĩa là biển cây. Đúng như tên gọi, mật độ cây cối ở đây rất dày đặc. Murata Ramu, một cây bút chuyên viết phóng sự, đồng thời là họa sĩ minh họa, họa sĩ vẽ truyện tranh đã nhận xét rằng: “Đi bộ trong rừng, tôi có thể nghe thấy tiếng gió thổi lá cây vang lên xào xạc, những tia sáng mặt trời chiếu xuyên qua kẽ lá, tôi bỗng thấy mất phương hướng và có cảm giác không bao giờ có thể ra ngoài được nữa.”

Vài nét về khu rừng tự sát Aokigahara

Aokigahara là một địa điểm tự sát khá hiếm lạ. Tại những nơi khác, người ta có thể nhảy từ tầng cao hay vách đá, lao vào đoàn tàu hay các phương tiện giao thông đang chạy v…v… Tuy nhiên, Aokigahara thì khác. Vách đá nơi đây không cao lắm (chỉ khoảng 3 mét) vì vậy cách tự sát này hoàn toàn không khả thi. Do đó, đại đa số những người tới đây kết liễu cuộc sống đều chọn cách treo cổ. Ngoài treo cổ, phương pháp phổ biến không kém khác là uống thuốc ngủ hoặc thuốc độc.

Trước thực trạng đáng buồn này, các nhà chức trách Nhật Bản đã cho bố trí ở bìa rừng tấm biển với nội dung khuyên nhủ những ai bi quan hãy cẩn trọng suy nghĩ lại. “Sinh mạng là thứ quý giá mà cha mẹ ban cho. Xin hãy suy nghĩ lại một cách cẩn trọng về cha mẹ, anh em, con cáig. Đừng tự mình gánh vác rắc rối, hãy trao đổi với chúng tôi”. Đi kèm bên dưới là số điện thoại liên lạc của ban phòng chống tự tử.

khu rừng tự sát

Sự thật về khu rừng tự sát Aokigahara

Có nhiều truyền thuyết rùng rợn về khu rừng tự sát Aokigahara đã và đang lan truyền rộng rãi trên internet. Tuy nhiên, với những ai chưa từng đặt chân tới khu rừng, độ xác thực của những truyền thuyết đó vẫn sẽ mãi là một thắc mắc lớn. Để gỡ rối, hãy cùng theo chân cây bút Murata Ramu, người đã đích thân tới Aokigahara khám phá kể lại nhé.

La bàn và các thiết bị điện tử bị vô hiệu hóa trong rừng

“Kim la bàn xoay tít và các thiết bị điện tử bị vô hiệu hóa trong rừng” là điều mà người ta kháo nhau nhiều nhất. Tuy nhiên, sự thật hoàn toàn không phải vậy. Có vẻ như hiểu lầm này xuất phát từ những tảng đá lớn trong rừng Aokigahara có phát ra từ tính. Tuy nhiên, sự thật là chúng có lực từ rất yếu nên hầu như không gây ảnh hưởng tới la bàn nếu bạn giữ ở tầm ngang ngực. Khi đi dạo trong rừng, bạn cũng có thể sử dụng định vị GPS và nói chuyện điện thoại như thường. Ngoài ra, cũng tùy vào vị trí mà sóng bắt được yếu hay mạnh.

khu rừng tự sát

Xác chết rải rác khắp nơi

“Dưới chân núi Phú Sĩ có một khu rừng tự sát với xác chết la liệt” dường như là thông tin giật gân xuất hiện nhan nhản trên internet. Chính điều này đã lôi kéo một lượng khách du lịch nước ngoài không nhỏ đến với Aokigahara. Sự thật cho thấy, đúng là có xác chết ở Aokigahara, tuy nhiên số lượng không nhiều đến mức la liệt. Theo Murata Ramu, anh đã ít bắt gặp xác chết hơn trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây.

xác chết ở khu rừng tự sát

Có thú dữ tấn công người

Nhiều thi thể được tìm thấy trong rừng bị động vật cắn. Nhưng vết cắn nhỏ nên có thể do chuột hoặc chồn. Cũng có trường hợp xác chết được tìm thấy với các dấu vết cho thấy có khả năng đã bị động vật lớn ăn. Tuy nhiên, Aokigahara vốn là một khu rừng không dồi dào nguồn thức ăn cho lắm với các quả hạch, động vật nhỏ, do đó khó có khả năng có động vật ăn thịt. Mặc dù kết luận này vẫn chưa thể khẳng định chính xác.

Hình ảnh khu rừng tự sát trong văn hóa nghệ thuật

Nổi tiếng với những câu chuyện rùng rợn, không quá khó hiểu khi khu rừng tự sát trở thành nguồn cảm hứng bất tận của các nhà làm phim, nhà văn, hay họa sĩ.

Nếu là một fan của thể loại truyện kinh dị, hẳn các bạn đã từng nghe đến cái tên Junji Ito. Ông là một mangaka – họa sĩ truyện tranh nổi tiếng Nhật Bản với các tác phẩm không dành cho người yếu tim như: Uzumaki, Tomie, hay Gyo. Trong quá trình sáng tác, ông đã lấy hình ảnh khu rừng tự sát làm bối cảnh cho một truyện ngắn mang tên Aokigahara no reiryuu (Tạm dịch: Dòng chảy linh hồn ở núi Aokigahara). Câu chuyện kể về anh chàng Taniguchi Norio, do quá tuyệt vọng bởi căn bệnh nan y, anh quyết định vào rừng Jukai trên núi Phú Sĩ để tự sát. Truyện ngắn này nằm trong tuyển tập Genkai chitai. Các bạn có thể tìm mua bản điện tử tại đây.

khu rừng tự sát

Ngoài truyện tranh, hình ảnh khu rừng tự sát Aokigahara còn được các nhà làm phim Mỹ điện ảnh hóa và lấy tên là “The forest”. Bộ phim đã được công chiếu vào năm 2016.

Xem thêm: 5 thiên đường mua sắm ở Tokyo

Kết lại, hẳn là những thông tin trên sẽ khiến rất nhiều người trong số chúng ta phải trầm ngâm suy ngẫm. Có thể nói, ẩn chứa đằng sau những bí ẩn rùng rợn kích thích trí tò mò của khu rừng tự sát Aokigahara là một thực trạng đáng buồn trong xã hội Nhật Bản. Tuy thực trạng này không thể chấm dứt trong một thời gian ngắn, nhưng chúng ta vẫn nên hi vọng vào những điều tích cực ở tương lai không xa.

We on social : Facebook - Youtube - Pinterest

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *