Omikuji – quẻ bói kiểu Nhật Bản
Tại các đền chùa Nhật Bản, việc “xin quẻ bói – đoán vận may” từ lâu đã trở thành nét phong tục độc đáo của người dân nơi đây. Đặc biệt, vào những dịp lễ tết hay trước những thời khắc quan trọng, ngoài mong muốn cầu chúc may mắn, có không ít người còn tới đây để rút cho mình một quẻ bói tài vận. Trong bài viết này, các bạn hãy cùng Tự học online khám phá câu chuyện về Omikuji – quẻ bói kiểu Nhật Bản nhé!
Nguồn gốc và lịch sử của Omikuji – quẻ bói kiểu Nhật Bản
Từ thời xa xưa, để lựa chọn người kế vị, hay trước khi quyết định những chuyện quốc gia đại sự, việc rút thăm được sử dụng như một công cụ để lắng nghe ý kiến của các vị thần linh. Đây được cho là nguồn gốc của quẻ bói Omikuji.
Cho tới ngày nay, phong tục xa xưa ấy đã không còn nữa mà thay vào đó, Omikuji được sử dụng với mục đích để tiên đoán vận mệnh may rủi cho từng cá nhân. Cũng vì vậy mà ý nghĩa của việc rút quẻ Omikuji không còn quá nặng nề như trước.
Quẻ bói Omikuji sử dụng ngày nay được tạo ra bởi Trụ trì Ryougen (912 – 985). Ông là vị trụ trì thứ 18 của chùa Enryakuji trong thế kỉ thứ 10. Dù vậy, tới tận đầu thời kì Kamakura (1192) trở đi, nó mới được dùng với mục đích tiên đoán vận mệnh cá nhân.
Phong tục rút quẻ bói Omikuji
Omikuji là quẻ bói bằng giấy được in những lời tiên đoán may rủi. Tại các đền chùa, bạn có thể rút cho mình một quẻ bói Omikuji với mức giá 100 yên (cũng có nơi 200 yên). Lưu ý, phong tục rút quẻ bói Omikuji cũng có những qui định riêng cần tuân theo.
Đầu tiên, chỉ nên thực hiện rút quẻ bói Omikuji sau khi đã thăm viếng và lễ bái đền chùa. Thứ hai, đừng quên làm sạch tay và miệng thật cẩn thận tại khu vực Chouzuya (khu vực giếng tẩy rửa). Để rút quẻ bói Omikuji, hãy thành tâm cầu khấn thần linh và nghĩ về điều bạn mong muốn hoặc những điều đang khiến bạn bận tâm. Sau khi lắc hộp gỗ để lấy thẻ tre đánh số, bạn hãy theo số thứ tự trên thẻ đó để lấy Omikuji tương ứng được đựng trong những ngăn gỗ nhỏ.
Các loại quẻ bói Omikuji
Omikuji có tất cả 13 loại (cũng có nơi chỉ có 7 loại). Bao gồm:
Đại cát (大吉 – Daikichi)
Chung cát (中吉 – Chuukichi)
Tiểu cát (小吉 – Shoukichi)
Cát (吉 – Kichi)
Bán cát (半吉 – Hankichi)
Mạt cát (末吉 – Suekichi)
Mạt tiểu cát (末小吉 – Sueshoukichi)
Bình (平 – Hei)
Hung (凶 – Kyou)
Tiểu hung (小凶 – Shoukyou)
Bán hung (半凶 – Hankyou)
Mạt hung (末凶 – Suekyou)
Đại hung (大凶 – Daikyou).
Một quẻ bói Omikuji sẽ cung cấp dự đoán về: Nguyện vọng (願望), Hành trình (旅行), Tình yêu (恋愛), Học tập (学問), Công việc (仕事), Buôn bán (商売), Sinh đẻ (出産), Bệnh tật (病気), Tiền bạc (金運), v…v…
Nội dung dự đoán trong các thẻ được viết bằng tiếng Nhật khá khó. Thường phải N2 mới có thể đọc được một chút. Nếu không đọc được mà nhận được thẻ tốt thì các bạn có thể mang về hỏi bạn giỏi tiếng Nhật hơn hoặc hỏi trực tiếp người Nhật.
Nếu lỡ may rút phải quẻ xấu, bạn nên tránh rút lại quẻ mới ngay trong ngày mà hãy chờ tới một dịp khác. Đồng thời để tránh vận rủi, bạn có thể buộc quẻ xấu đó lên những dải dây thừng được chuẩn bị sẵn trong đền chùa (gọi là Mikujikake). Bởi theo quan niệm của người Nhật, quẻ tốt mang đi, quẻ xấu để lại.
Trên đây là câu chuyện về Omikuji – quẻ bói kiểu Nhật Bản. Dẫu biết rằng, việc mê tín tới mức tin hoàn toàn vào quẻ bói là điều không nên, song thử trải nghiệm phong tục của một nền văn hóa mới thì cũng không có gì là xấu cả đúng không? Nếu có dịp, hãy thử rút cho mình một quẻ bói Omikuji xem sao nhé!