Tự học tiếng Nhật online

Tự học tiếng Nhật online miễn phí !

Kinh nghiệm sống tại Nhật Bản

Thủ tục đăng ký kết hôn với người Nhật

Như đã đề cập ở tiêu đề, trong nội dung bài viết sau đây, Tự học online sẽ hướng dẫn các bạn một cách đầy đủ và chi tiết về thủ tục đăng ký kết hôn với người Nhật tại Nhật Bản và Việt Nam. Mời các bạn cùng theo dõi!

Thủ tục kết hôn với người Nhật tại Nhật Bản và Việt Nam

Thủ tục đăng ký kết hôn với người Nhật tại Nhật Bản

Chuẩn bị hồ sơ đăng ký kết hôn

Trước tiên các bạn cần chuẩn bị hồ sơ đăng ký kết hôn. Hồ sơ đăng ký kết hôn được nộp tại Tòa hành chính thành phố/địa phương thuộc Nhật Bản – nơi mà bạn và vợ/chồng sinh sống. Hồ sơ bao gồm:

– Giấy đăng ký kết hôn (婚姻届).

– Bản sao hộ khẩu (戸籍謄本).

– Hộ chiếu (パスポート).

– Giấy chứng nhận đủ điều kiện kết hôn (婚姻要件具備証明書).

Cụ thể như sau:

Giấy đăng ký kết hôn (婚姻届)

Thủ tục đăng ký kết hôn với người Nhật tại Nhật Bản và Việt Nam

Có thể lấy tại Tòa hành chính thành phố/địa phương mà bạn sinh sống. Khi điền thông tin vào giấy đăng ký kết hôn, con dấu cá nhân của bạn và vợ/chồng là cần thiết.

Bản sao hộ khẩu (戸籍謄本)

Đây là bản sao hộ khẩu của vợ/chồng người Nhật của bạn.

Hộ chiếu (パスポート)

Để xác định danh tính, hộ chiếu là cần thiết. Ngay cả phía vợ/chồng người Nhật của bạn cũng có thể sử dụng hộ chiếu thay thế cho bằng lái xe hay thẻ My Number.

Giấy chứng nhận đủ điều kiện kết hôn (婚姻要件具備証明書)

Đây là bằng chứng chứng minh rằng bạn đang độc thân và đủ điều kiện kết hôn theo pháp luật. Bạn có thể xin giấy này tại đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.

Để xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kết hôn, bạn cần chuẩn bị hồ sơ và nộp lên Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản. Hồ sơ bao gồm:

1. Đơn đề nghị theo mẫu. Có thể download tại đây.

2. Hộ chiếu kèm bản chụp copy trang 2, trang 3 hộ chiếu hoặc giấy tờ thay thế hộ chiếu. Lưu ý, các giấy tờ phải còn hạn sử dụng.

3. Giấy xác nhận chưa có tên trong sổ đăng ký kết hôn tại chính quyền địa phương (役所) nơi bạn đang cư trú. Có thể download tại đây.

4. Nếu trước khi xuất cảnh công dân Việt Nam đã đủ tuổi kết hôn theo quy định thì cần nộp bản chính Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do UBND nơi cư trú cấp cho trước khi xuất cảnh (cấp đúng mẫu quy định có ghi rõ mục đích dùng để kết hôn, kết hôn với ai, tên gì, số hộ chiếu, nơi dự định làm thủ tục kết hôn…). Giấy này chỉ có giá trị 6 tháng kể từ ngày cấp.

– Trường hợp người yêu cầu cấp Giấy đủ điều kiện kết hôn đã có vợ/chồng, nhưng đã ly hôn hoặc người kia đã chết, thì phải nộp bản chụp copy kèm xuất trình bản chính trích lục bản án/quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về việc ly hôn hoặc bản sao giấy chứng tử. Nếu bản án/quyết định cho ly hôn của Toà án hoặc người kia đã chết do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp thì phải nộp bản chụp kèm xuất trình bản chính Trích lục hộ tịch sự việc đó vào sổ hộ tịch.

– Trường hợp người đang trong thời hạn công tác, học tập, lao động ở một nước khác thì phải có xác nhận của Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước đó về tình trạng hôn nhân của người đó. Trường hợp công dân đã có thời gian cư trú ở nhiều nước khác nhau nếu không thể xin được giấy xác nhận tình trạng hôn nhân tại các nơi đó có thể viết giấy cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình trong thời gian đó và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung cam đoan.

– Trường hợp công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài thì phải nộp giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân do cơ quan thẩm quyền của nước mà người đó có quốc tịch.

– Trường hợp cán bộ, chiến sĩ đang công tác trong lực lượng vũ trang, thì thủ trưởng đơn vị của người đó xác nhận tình trạng hôn nhân.

– Trường hợp đang là Tu nghiệp sinh cần có xác nhận của Nghiệp đoàn đồng ý cho kết hôn.

– Quy định này cũng được áp dụng đối với việc xác nhận tình trạng hôn nhân trong Tờ khai đăng ký kết hôn.

– Giấy tờ hộ tịch có trong hồ sơ do nước thứ 3 cấp phải được hợp pháp hóa theo quy định.

5. Phiếu hẹn trả kết quả. Có thể download tại đây.

6. Giấy tờ khác: Phiếu công dân (住民票). Cần xuất trình bản chính hoặc bản sao có công chứng. Có thể xin tại tòa hành chính thành phố/địa phương nơi bạn cư trú.

Lưu ý: Thời hạn giải quyết hồ sơ theo quy định. Nếu bạn yêu cầu nhận kết quả sớm và Đại sứ quán thu xếp được thì có thể nhận được kết quả trong ngày.

Lệ phí theo quy định. Nếu lấy kết quả trong ngày phải trả thêm phí 24h.

Nộp hồ sơ đăng ký kết hôn

Sau khi đã hoàn tất việc chuẩn bị và trình nộp hồ sơ, hồ sơ của vợ chồng bạn sẽ được thụ lý. Khi thụ lý hoàn thành cũng là lúc thủ tục kết hôn đã thành công. Bạn và vợ/chồng người Nhật sẽ được cấp giấy chứng nhận thụ lý kết hôn (婚姻届受理証明書). Hãy giữ gìn cẩn thận vì chắc chắn bạn sẽ cần tới nó nếu muốn đổi Tư cách lưu trú (在留資格). Ví dụ: đổi từ diện du học sinh sang diện kết hôn với vợ/chồng người Nhật v…v…

Thủ tục đăng ký kết hôn với người Nhật tại Nhật bản và Việt Nam

Thủ tục đăng ký kết hôn với người Nhật tại Việt Nam

Hồ sơ bên vợ/chồng người Nhật của bạn chuẩn bị

– Phiếu công dân (住民票).

– Giấy chứng nhận đủ điều kiện kết hôn (婚姻用件具備証明書).

– Giấy chứng nhận tư cách kết hôn (結婚資格証明書). Đối với trường hợp kết hôn lần 2, lần 3, cần chuẩn bị thêm giấy chứng nhận đã ly hôn. Đối với trường hợp vợ/chồng trước đã chết cần chuẩn bị thêm giấy chứng tử.

– Giấy khám sức khỏe.

– Hộ chiếu.

Các giấy tờ này có thể xin tại Tòa hành chính thành phố/địa phương nơi vợ/chồng người Nhật của bạn cư trú. Hoặc cũng có thể xin tại Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam. Yêu cầu tất cả giấy tờ phải được dịch sang tiếng Việt và công chứng.

Hồ sơ bạn chuẩn bị

– Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Có thể kèm theo các giấy tờ khác nếu đăng ký kết hôn lần thứ hai, thứ ba v…v… (giấy tờ ly hôn hoặc giấy tờ chứng minh vợ/chồng trước đã mất).

– Chứng minh nhân dân. Sổ hộ khẩu.

– Giấy khám sức khỏe tâm thần.

– 2 ảnh chụp chân dung cỡ 4×6 để dán Tờ khai đăng ký kết hôn. Yêu cầu ảnh chụp thẳng, nghiêm trang, phông nền xanh hoặc trắng.

Ngoài các giấy tờ trên, vợ chồng bạn cần chuẩn bị thêm tờ khai đăng ký kết hôn. Mẫu đơn này có thể xin tại UBND quận, huyện thành phố nơi bạn đang sinh sống. Sau đó bạn và vợ/chồng người Nhật đem nộp hồ sơ tại Phòng Tư Pháp thuộc UBND (quận, huyện, thị xã, thành phố) nơi bạn đang cư trú. Đây là cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục đăng ký kết hôn với người Nhật tại Việt Nam.

Nếu hồ sơ hợp lệ và vợ chồng bạn đủ điều kiện kết hôn, Phòng Tư pháp sẽ báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp quận/huyện ký và trao 2 bản chính Giấy chứng nhận kết hôn cho vợ/chồng bạn. Như vậy là hoàn tất.

Như vậy, Tự học online đã giới thiệu tới các bạn thủ tục đăng ký kết hôn với người Nhật tại Nhật Bản và Việt Nam một cách đầy đủ và chi tiết. Hi vọng những thông tin trên sẽ trở thành nguồn tham khảo hữu ích giúp các bạn bớt bỡ ngỡ khi gặp tình huống cụ thể! Chúc các bạn thành công!

We on social : Facebook - Youtube - Pinterest

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *