Năm của Nhật Bản
Nhật Bản là đất nước hiếm hoi cho tới nay vẫn sử dụng hệ thống niên hiệu. Trong bài viết sau đây, mời các bạn cùng Tự học online tìm hiểu và khám phá những những điều cần biết về năm của Nhật Bản chiếu theo niên hiệu nhé!
Năm của Nhật Bản là gì?
Mục lục :
Không giống với phần đông các nước trên thế giới chỉ sử dụng hệ thống tính năm Tây phương, Nhật Bản còn có một hệ thống tính năm khác. Năm của Nhật Bản bao gồm phần niên hiệu (元号 – Niên hiệu) cộng với phần số là số năm đi sau niên hiệu đó.
Nền chính trị Nhật Bản được thành lập dựa trên nền tảng của thể chế Quân chủ lập hiến. Vai trò của Hoàng gia được giữ nguyên nhưng vị quân vương không nắm giữ thực quyền chính trị. Với chính thể này, cứ mỗi thời kỳ nắm quyền của Nhật hoàng mới Nhật bản sẽ lại có niên hiệu mới. Đây là danh xưng cao quý mở ra một thời kỳ mới.
Cách tính năm của Nhật Bản theo niên hiệu
Hệ thống niên hiệu được sử dụng rộng rãi tại Nhật Bản. Nếu có ý định học tập, làm việc tại đất nước Mặt trời mọc, các bạn cần tìm hiểu về niên hiệu và cách tính năm của Nhật chiếu theo niên hiệu đó để điền giấy tờ, làm hồ sơ v…v…
Năm của Nhật = Niên hiệu hiện tại + số năm theo thứ tự
Trong đó, số năm được tính theo thứ tự từ năm bắt đầu nhiệm kỳ của Nhật hoàng (gọi là năm thứ 1) tới khi kết thúc nhiệm kỳ (năm thứ xx).
Như vậy, năm 2019 là năm Nhật Hoàng Naruhito lên kế nhiệm sau sự kiện thoái vị của Nhật hoàng Akihito. Niên hiệu mới được đặt cho thời kỳ mới này tại Nhật là Reiwa – Lệnh Hòa.
Như vậy, 2019 là năm đầu tiên sử dụng niên hiệu này do đó nó được gọi là năm Reiwa thứ 1. Các năm tiếp theo sẽ theo thứ tự tăng dần. Cụ thể: 2020 là năm Reiwa thứ 2, 2021 là năm Reiwa thứ 3 v…v… cứ thế cho tới khi vị Nhật hoàng mới lên kế vị và thành lập nên niên hiệu mới mới kết thúc để mở ra một tên gọi năm khác.
Sơ bộ về các niên hiệu của Nhật Bản từ khi bắt đầu thời đại Đế quốc Nhật Bản:
Từ 23/10/1868 tới 29/7/1912 : Niên hiệu Meiji – Minh Trị
Từ 30/7/1912 tới 24/12/1926 : Niên hiệu Taishou – Đại Chính
Từ 25/12/1926 tới 7/1/1989 : Niên hiệu Shouwa – Chiêu Hòa
Từ 8/1/1989 tới 30/4/2019 : Niên hiệu Heisei – Bình Thành
Từ 1/5/2019 tới xx/xx/xxxx (chưa rõ): Niên hiệu Reiwa – Lệnh Hòa
Để tra cứu năm sinh của mình theo năm của Nhật, các bạn tra cứu trong bài viết : Niên hiệu Nhật Bản – Bảng tra năm dương lịch sang lịch Nhật
Năm sinh của người Nhật
Về năm sinh của người Nhật, ngoài cách gọi theo lịch Tây phương thông thường, họ còn sử dụng cách tính năm sinh riêng chiếu theo niên hiệu. Đây được coi là niềm tự hào, thể hiện nét đặc trưng của những con người thuộc từng thời đại.
Cách tính năm sinh chiếu theo niên hiệu cũng giống như cách tính năm của Nhật đã được hướng dẫn ở mục trên. Trước tiên, hãy nhìn lại phần “Sơ bộ các niên hiệu trước đây” để biết năm sinh của mình mang niên hiệu gì.
Ví dụ, nếu bạn sinh năm 1992, bạn sinh vào thời kỳ có niên hiệu Heisei (Bình Thành). Năm đầu tiên sử dụng niên hiệu này là năm 1989. Tức năm Heisei thứ 1. Như vậy, năm 1992 – năm bạn sinh ra sẽ là năm Heisei thứ 4.
Cách tính tuổi ở Nhật
Không giống Việt Nam, Hàn Quốc hay một số quốc gia sử dụng lịch âm khác, Nhật Bản hiện nay chỉ sử dụng lịch dương. Theo đó, cách tính tuổi của quốc gia này cũng có những khác biệt nhất định. Cách tính này không tồn tại tuổi mụ mà chỉ có tuổi thực.
Tuổi của một người ở Nhật Bản được tính dựa trên ngày tháng năm sinh chính xác của người đó. Điều này có nghĩa là, trước khi ngày sinh nhật đến, thì dù có bước sang năm mới đi nữa nhưng bạn vẫn chưa được tính thêm một tuổi.
Ví dụ, ngày sinh của bạn là 18/9/1992. Hiện tại là ngày 14/1/2020. Đáng lẽ, nếu theo cách tính của Việt Nam, tuổi thực của bạn là 28 tuổi. Tuy nhiên, theo cách tính của Nhật, vì chưa tới ngày sinh nhật (18/9/2020) nên bạn vẫn chỉ được coi là 27 tuổi. Phải tới thời điểm 00:00 ngày 18/9/2020 bạn mới tròn 28 tuổi.
Cách tính này rất quan trọng và cần ghi nhớ để điền lý lịch bản thân khai trên giấy tờ, hoặc để giới thiệu bản thân trước người Nhật.
Trên đây là một số kiến thức tham khảo về niên hiệu và năm của Nhật mà Tự học online đã tổng hợp và giới thiệu tới các bạn. Hi vọng bài viết sẽ trở thành nguồn thông tin hữu ích giúp các bạn biết thêm về một tục lệ đặc biệt, không phải nơi đâu cũng có của đất nước Nhật Bản.